KHÍ ĐỘC TRONG AO NUÔI THỦY SẢN

NO2, NH3, H2S,… là những khí độc phổ biến thường xuất hiện trong ao khi môi trường ao bị ô nhiễm chất thải trong ao không kịp phân hủy, từ đó tạo cơ hội cho những vi khuẩn gây bệnh bùng phát ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tôm, cá.

I/ Nguyên nhân hình thành các loại khí độc thường gặp

    1. Khí độc H2S

      Được hình thành khi mùn bã hữu cơ, chất thải của tôm bị vi khuẩn phân hủy trong điều kiện thiếu oxy. Các loại chất thải này lắng đọng xuống đáy ao và bị phân hủy theo 2 trường hợp.

+ Trong điều kiện có oxy: vi khuẩn sẽ phân hủy chất thải và tạo thành một lớp bùn mỏng màu sáng có tác dụng như màng ngăn khí độc H2S thoát ra môi trường nước.

+ Bên dưới lớp bùn này vi khuẩn phân hủy trong điều kiện thiếu oxy tạo ra khí H2S, đây là lớp bùn đáy và có màu đen.

Khí H2S là loại khí cực độc, có mùi trứng thối và càng có nhiều bùn đen tích tụ dưới đáy ao thì càng sinh ra nhiều khí độc.

   2. Khí NH3, NO2

     Khí NH3 tồn tại trong môi trường nước ở hai dạng NH4+ (dạng ion) và NH(dạng không ion), dạng ion ít gây độc cho tôm, trong khi đó dạng không ion lại gây độc cho tôm. Hàm lượng NH3 hiện diện trong môi trường nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó pH và nhiệt độ là hai hai yếu tố quan trọng nhất, nhìn chung nếu nhiệt độ càng cao, pH càng cao, hàm lượng oxy thấp thì tính độc NH3 càng cao, tuy nhiên nếu độ mặn gia tăng thì tính độc của chúng giảm chút ít nhưng không đáng kể.

Tỷ lệ NH3 (%) trong nước theo nhiệt độ và pH ở độ mặn 0 – 5 ‰ (Creswell, R.L., 1993)

pH Nhiệt độ
20   25 30 35
7.0

0.39

0.56 0.80 1.11
7.8 2.43 3.46 4.83 6.36
8.0 3.80 5.37 7.44 10.11
8.2 5.90 8.25 11.30 15.13
9.0 28.33 36.21 44.55 52.93

Nguồn: Nguyễn Phú Hòa – Chất lượng môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản – Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.

Tỷ lệ NH3 (%) trong nước theo nhiệt độ và pH ở độ mặn 0 – 40 ‰ (thep Creswell, R.L., 1993)

pH

Nhiệt độ

20 25 30 35
7.0 0.22 0.31 0.44 0.62
7.8 1.36 1.95 2.74 3.81
8.0 2.15 3.05 4.28 5.91
8.2 3.36 4.37 6.61 9.05
9.0 17.98 23.94 30.88 38.58

 

Nguồn: Nguyễn Phú Hòa – Chất lượng môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản – Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.

– Tôm chân trắng được nuôi với mật độ cao, do đó hàng ngày một lượng lớn thức ăn được cho vào ao nuôi, mặc dù thức ăn không dư thừa nhưng thực tế chỉ có khoảng 30% – 40% lượng thức ăn ăn vào hỗ trợ cho quá trình tăng trưởng (để có FCR 1:1), khoảng 60 % – 70% lượng thức ăn bài tiết ra ngoài và gây nên tình trạng ô nhiễm hữu cơ trong ao nuôi và qua đó làm phát sinh NH3 và NO2.

– Vi sinh vật hữu ích không tồn tại trong ao nuôi hoặc tồn tại với mật số rất thấp không đủ để chuyển hoá hoàn toàn các khí độc thành NO3 không độc cho tôm.

– Hàm lượng oxy không được cung cấp đầy đủ dẫn đến chu trình Nitrat hoá không diễn ra hoàn toàn và dẫn đến việc tích tụ NO2 trong ao nuôi, bên cạnh đó nó cũng làm giảm mật độ số vi sinh vật hữu ích trong ao.

   3. Quá trình Nitrate hóa

     Quá trình nitrat hóa là một quá trình sinh học mà ở đó vi khuẩn nitrat hóa sẽ oxy hóa amonia (độc cho tôm) thành nitrat (không độc cho tôm) thông qua sự hình thành nitrit (gây độc cho tôm) trong điều kiện có oxy (Ritmann và Mac Carty, 2001).

Quá trình này gồm hai giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: amonia (NH3) biển đổi thành NO2
  • Giai đoạn 2: NO2 biến đổi thành NO3

     Giai đoạn thứ nhất, nhóm vi khuẩn nitrit như Nitrosomonas spp và Nitrosococcus spp đóng vai trò chủ yếu, trong khi đó giai đoạn 2, nhóm vi khuẩn nitrat hóa như Nitrobacter spp và Nitrospira spp là những nhân tố chính thúc đẩy quá trình.

     Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của quá trình này là nhóm vi khuẩn nitrat hóa có tốc độ phát triển rất chậm và đấy là vấn đề hết sức quan trọng. Khi NH3 bắt đầu hiện diện thì quần thể vi khuẩn ôxy hóa ammnium bắt đầu phát triển, tuy nhiên chúng cần đến 02 tuần để đạt trạng thái ổn định. Bên cạnh đó, các nhóm vi khuẩn nitrat hóa là nhóm vi khuẩn hiếu khí bắt buộc, điều này có nghĩa là ôxy đóng vai trò quan trọng trong quá trình nitrat hóa, trong khi đó quá trình biến đổi NH3 thành nitrit thì cần hàm lượng ôxy nhỏ hơn nhiều.

     Chính vì vậy, khi hàm lượng ôxy bị hạn chế, NH4+ vẫn có thể bị ôxy hóa chuyển sang NO2, nhưng chúng sẽ tích lũy trong nước ao, kết quả là hàm lượng NO2 tăng cao và gây độc cho tôm. Quá trình này thường xảy ra trong ao thiếu ôxy do không được sục khí đầy đủ hoặc có sự tồn tại những khu vực yếm khí (góc chết) trong ao.

II/ Tác hại của các loại khí độc thường gặp

     Hàm lượng NHvà NO2 cao trong môi trường nước gây độc trên tôm nuôi, biểu hiện rõ nhất là tôm chậm tăng trưởng, giảm ăn, nổi đầu, chết dần hàng ngày, nếu tính trạng kéo dài tôm sẽ giảm sức đề kháng, tích tụ NH3 và NO2 nhiều trong cơ thể và dẫn đến dễ nhiễm bệnh khác như phân trắng, EMS, hội chứng gan tụy cấp, đen mang, đốm trắng, hoại tử cơ…

III/ Phương pháp xử lý khí độc

   1. Quản lý và khắc phục khí độc H2S

Cần lưu ý dòng nước và các thiết bị lọc khí có thể gây xáo trộn lớp bùn đáy ao và phát tán khí độc H2S do đó khi sục khí cần bố trí hợp lý để tránh sự xáo trộn này.

Khi phát hiện có khí H2S cần tiến hành các biện pháp sau:

+ Giảm lượng thức ăn cho tôm từ 30 -40% trong tối thiểu 3 ngày

+ Tăng mức độ sục khí nhưng tránh làm xáo trộn lớp bùn đáy ao có thể dùng oxy viên

+ Bón vôi kịp thời để tăng độ pH

+ Sử dụng vi sinh vật tiêu thu H2S

  2. Các biện pháp kiểm soát khí độc NO2

Chu trình Nitơ

Biện pháp

Hạn chế

Thay nước Giải pháp này không khả thi trong nuôi tôm chân trắng, vì thay nước thường dẫn đến biến động chất lượng nước lớn, trong khi tôm chân trắng cần sự ổn định cao của môi trường như mật độ tảo, độ kiềm và pH.
Kiểm soát tảo

Tảo hấp thụ các dạng nitơ vô cơ để tăng sinh khối, tuy nhiên biện pháp này có nhiều hạn chế trong ao nuôi mật độ cao, do tốc độ đồng hóa chậm của tảo. Ngoài ra, tảo không thể thực hiện quá trình này vào ngày thiếu ánh sáng (mây mù, mưa) và quần thể tảo cũng thiếu ổn định trong ao nuôi tôm chân trắng.

Bổ sung vi khuẩn nitrit và nitrat hóa vào ao nuôi Nhóm vi khuẩn này thường phát triển chậm và cần phải có đủ oxy để phát triển tăng sinh khối. pH tối ưu cho nhóm này từ 7,5 – 8,6. Sẽ không có vấn đề gì nếu như chúng được bổ sung thường xuyên vào ao nuôi tôm chân trắng ngay từ đầu vụ nuôi và định kỳ, liên tục và trong điều kiện hệ thống cung cấp ôxy hoàn chỉnh và đầy đủ suốt vụ nuôi.
Kiểm soát bằng hệ thống Biofloc

Hạt floc thường có vi khuẩn nitrat hóa cao, bên cạnh đó hệ thống Biofloc được khuấy đảo nước liên tục, tuy nhiên Biofloc không phải dễ áp dụng trong điều kiện cơ sở hạ tầng ao nuôi hiện nay. Thêm vào đó, để vận hành hệ thống Biofloc thì người nuôi cần phải có kiến thức đầy đủ, thực sự am hiểu về nó

Sử dụng Yucca Yucca chỉ hấp thụ NH3, ít hấp thu NO2 và không giúp đẩy nhanh quá trình nitrat hóa.

 – Cải tạo ao nuôi hoàn chỉnh, bùn và chất cặn bã phải được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi ao nuôi trước khi bắt đầu vụ mới.

– Sử dụng các sản phẩm vi sinh chất lượng và đáng tin cậy có chứa nhóm vi khuẩn nitrat (Nitrosomonas spp và Nitrobacter spp) định kỳ và liên tục suốt vụ.

– Sử dụng kết hợp Yucca định kỳ để giảm NH3, thông qua đó giảm hàm lượng NO2. Sử dụng enzyme thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy hữu cơ.

– Duy trì mật độ tảo có lợi trong ao ổn định.

– Cung cấp đầy đủ oxy trong ao nuôi, bố trí quạt nước hợp lý tránh các “góc chết” trong ao và xi-phông loại bỏ chất hữu cơ thường xuyên 

– Quản lý cho ăn tốt, tránh cho ăn dư thừa.

– Tuần hoàn nước ao nuôi ra ao lắng: Khi đưa nước từ ao nuôi sang ao lắng sẽ xử lý NO2 trước khi tái cấp vào ao nuôi. Tại ao lắng, xử lý nước bằng ôxy già 5-10ppm. Oxy già sẽ cung cấp ôxy cho quá trình Nitrat hóa đồng thời ôxy hóa chất hữu cơ. Điểm yếu của phương pháp này là không thể áp dụng cho ao nuôi tôm có thể tích lớn bởi giá thành rất cao. Trong trường hợp người nuôi không có ao lắng thì nên tham khảo tại đây….(……..)

– Xử lý ao nuôi: Có thể xử lý CaCl2 lượng 20-30 kg/1.000m3 định kỳ 2-3 ngày nhằm tăng cường khả năng chống chịu cho tôm. Khi thấy tôm có dấu hiệu ngộ độc NO2 có thể dùng oxy viên 1-2 kh/1.000mđánh xuống đáy ao vào ban ngày, liên tục vài ngày.

Kết luận: Trong quá trình nuôi tôm, cá khi lượng chất thải, chất hữu cơ,…trong ao nhiều sẽ xuất hiện các loại khí độc và làm ảnh hưởng đến chất lượng nuôi cũng như sự phát triển của tôm, cá. Chính vì vậy người nuôi cần tiến hành xử lý khí độc trong ao nuôi một cách kịp thời và phù hợp với từng điều kiện ao nuôi.

Leave Comments

0898 900 970
0898900970